Tưởng niệm Quang Vũ – Cố nhạc sĩ Phương Nguyễn

Quang Vũ là pháp danh Thầy đặt cho anh, thế danh của anh là Vũ, nhưng mọi người biết đến anh với nghệ danh Phương Nguyễn. Vũ là mưa, Quang là sáng, được nhận pháp danh, anh hỏi Thầy, sao mưa mà sáng vậy Thầy?

Hôm tiễn anh đi, những người có mặt đều bùi ngùi thương tiếc, người càng gắn bó làm việc, tiếp xúc nhiều với anh thì càng không ngăn được dòng cảm xúc. Nhớ lại buổi làm việc cuối cùng của anh, cái buổi tối thứ sáu ngày mười ba ấy, anh thu hình bài giảng của Thầy, hôm ấy Thầy giảng về “Tối Hậu Căn Diệt”, có hai trường hợp, đó là “mạng chung đột ngột", hoặc “từ từ mạng chung". Đâu ai ngờ rằng chỉ vài giờ sau đó, anh đã ra đi đột ngột! Có câu chuyện trong kinh rằng, tôn giả A Nan kể với Phật, có một người, lúc ngài đi vào, thấy người ấy đang đứng hát, nhưng lát sau, khi ngài trở ra thì được biết người kia đã chết, thật là đáng kinh ngạc! Phật bảo A Nan, đó là chuyện rất bình thường, nếu khi A Nan trở ra mà người đó vẫn còn đứng hát thì mới là điều đáng kinh ngạc. Đúng như vậy, chỉ có sự sống mới là điều kỳ diệu, phi thường, không gì quý bằng sự sống.

Mặc dù anh không tham gia đạo tràng như nhiều Phật tử khi đến chùa, anh đến để làm công việc chuyên môn, đó là nhạc, là tranh điêu khắc và đài truyền hình. Công việc của anh thầm lặng nhưng đem lại lợi ích vô cùng. Thầy xác nhận rằng, nếu không có công sức đóng góp của anh thì không thể có một Đại Học Sakya Buddha, không thể có được một kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Nhớ lại hôm diễn chương trình Pháp Nhạc Âm “Trái Tim Bậc Đại Giác” tại Houston, anh phát biểu rằng, cái nghề nó chọn người, Thầy cần một người vừa nhạc, vừa tranh vừa truyền hình, có ba trong một, và Thầy đã chọn được anh rồi, anh và Thầy gắn bó từ những ngày đầu tiên Thầy có mặt nơi đây, vậy mà giờ anh đột ngột bỏ đi, chẳng nói một lời nào! Suốt bao năm qua, người yêu thích Pháp Nhạc Âm với năm mươi bài nhạc, mỗi bài như một bài pháp ngắn, hàm chứa nghĩa lý sâu xa, được minh họa bằng một bức tranh điêu khắc gỗ, và chuyển tải qua lời pháp hòa quyện trong từng dòng nhạc, khiến người thưởng thức được thăng hoa, mỗi lần nghe lại càng thẩm sâu nghĩa lý. Chỉ là với bàn tay, khối óc thật tài hoa mới có thể làm được như vậy.

Nhớ hồi anh làm CD cuối cùng “Giai Điệu Trong Tim 3”, chủ đề anh đặt là “Trở Về KHÔNG”, cũng là tên bài hát cuối cùng trong CD. Anh thường chia sẻ tiến trình hình thành CD, mỗi khi viết xong một bài nhạc anh rất vui, ca sĩ thu xong, mỗi khi đến phòng thu hình sớm, anh thường kéo ghế mời ngồi lại cùng anh nghe bài hát, rồi anh phân tích từng ý nghĩa được gửi gấm trong từng lời nhạc.

Lời nhạc của anh hàm chứa triết lý Phật học, chỉ người nghiền ngẫm thật sâu xa mới có thể viết lên những lời như vậy. Trong cả mười ca khúc, tựa bài hát được anh đặt tên là “Tuổi Mình Vẫn Hai Số” nhưng được ghi thêm trong dấu ngoặc là (Không Tăng - Không Giảm); “Cuồng Si” là (Không Sinh - Không Diệt); “Mắt Buồn” là (Có - Không); còn “Ngắm Trăng” là (Không Đồng - Không Dị); Nói về “Ngoại Tôi” thì (Hữu Vi - Vô Vi); lại “Thiên Đường Tình Yêu” là (Không Đoạn - Không Vô Cùng); Với bài tựa là “Vượt Thoát” thì bên trong là (Không Đúng - Không Sai); “Đêm Ru Em Ngủ” được mô tả là (Không Đến - Không Đi); “Giả Danh” là (Không Tịnh - Không Nhiễm); và bài hát cuối cùng “Phép Mầu” là (Trở Về KHÔNG), chữ KHÔNG được trịnh trọng viết hoa... Với những tư duy ngần ấy, phải chăng trong tâm anh luôn hiện hữu một “Đạo Tràng”?!

Nhạc của anh thật kén người nghe cũng kén người hát. Nghe nhạc của anh ai cũng nói thấy rất hay, nhưng sự cảm nhận cái hay ấy ở mỗi người mỗi khác. Cũng một bài hát nhưng nghe lần sau cảm nhận khác với lần trước. Có khi anh hỏi thích bài nào nhất trong CD, nghe lần đầu thích bài này nhưng lần nghe sau lại là bài khác, anh nghe sự trả lời bất nhất ấy, chỉ cười cười không nói gì, hình như anh đọc được cảm nhận của người nghe nhạc của mình thì phải!? Có lần hỏi anh sao bài hát này nốt cao quá sao hát nổi, anh nói đã đo giọng rồi, ca sĩ kia hát tới, mà phải lên tới độ cao đó thì mới lột tả hết ý của anh muốn. Anh là vậy, làm việc bằng đam mê, cảm nhận ý nghĩa cuộc sống trong từng phút giây, vui vẻ thoải mái, nên ra đi cũng thanh thản nhẹ nhàng...

Trong lời dẫn do chính anh diễn đọc, hỏi rằng tại sao anh nói đây là CD cuối cùng, anh hỏi lại làm sao mà biết? Thì chính anh nói trong đó chớ ai! Anh vui vẻ đặt nhẹ tay lên vai thể hiện sự đồng cảm, anh nói có nhiều người cũng nghe mà không để ý đến điều đó! Có lần nghe anh bày tỏ, anh thấy cuộc đời thật đáng sống khi thỏa lòng đam mê sáng tác. Nếu được trở lại kiếp người anh cũng muốn xin làm nhạc sĩ. Làm sao mà biết được, điều phát nguyện ấy dẫn sinh anh đi về đâu?

California, 10/29/2023

Thương tiếc tiễn biệt Phương Nguyễn.

Huệ Phương Duyên